Sunday 7 February 2010

Chúng Ta Đi Mang Theo.....

Chúng ta đi mang theo quê hương
Lê Phan

Ðó là tên của một bức tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ. Bức tranh vẽ cảnh một ngày hội Tết ở miền Bắc. Ðã lâu lắm rồi từ khi tôi được thấy bức tranh đó, nhưng vẫn còn nhớ quang cảnh thật náo nhiệt: chỗ này mấy cô áo tứ thân đang đánh đu, góc kia hai anh chàng đang thi tài đô vật. Bức tranh vẽ theo kiểu tranh Ðông Hồ, đường nét chân phương, sơn bệt từng bloc, nhưng lại thật gợi cảm. Tôi còn nhớ mỗi lần được thấy bức tranh lại đứng tần ngần vì đang có cảm tưởng mình được lạc đường vào ngày hội đó.
Chúng ta đi mang theo quê hương, nếu tôi không lầm, được vẽ sau năm 1954 khi họa sĩ đã vào Nam. Bức tranh là một hoài niệm của quê hương miền Bắc, quê hương nằm trong ký ức của họa sĩ. Ở một khía cạnh nào đó, nó là hình ảnh lạc quan hơn của bài Thương về năm cửa Ô xưa. Ông cũng “đứng bên này vỹ tuyến” nhưng thay vì “thương về năm cửa Ô xưa”, ông nhớ đến ngày Hội Tết. Và Tạ Tỵ tin là ông đã mang theo quê hương qua bức tranh đầy màu sắc đó.
Hình ảnh của ngày Hội Tết của Tạ Tỵ in hằn trong tâm khảm tôi. Tôi vẫn ao ước có một lần nào đó được về để tìm đến một ngày Hội Tết. Nhưng có một lần tôi được nghe bài bút ký của Mạnh Hùng trên đài BBC, trong đó tác giả kể lại Hội Chùa Lim ngày nay. Hội Chùa Lim giờ đây, theo tác giả, cũng có đánh đu, cột mỡ, đô vật. Nhưng đồng thời nó còn có những cái gì đặc biệt của thời hiện đại. Hai bên của khu hội, một bên là một dàn xiếc đu bay từ Sàigòn ra trình diễn, bên kia là một ban kịch. Âm thanh ồn ào, nhạc giựt từ dàn xiếc át cả tiếng hát quan họ. Còn những di tích cũ như đánh đu, đô vật, trông lạc lõng và tê tái trong tiếng nhạc giựt và âm thanh ồn ào của gánh hát và dàn xiếc.
Nghe xong bài bút ký tôi giật mình như tỉnh giấc chiêm bao. Thế ra từ lâu nay mình cố bám lấy một ảo ảnh. Bởi chúng ta đi mang theo quê hương có lẽ là chuyện khó có thể làm được.
Dĩ nhiên mỗi năm vào dịp Tết đến, người Việt chúng ta đang sống ở khắp nẻo đường thế giới cũng đón Tết. Ở những nơi có nhiều người Việt như ở quận Cam, ở Houston, ở Sydney hay ở Melbourne, khung cảnh cũng rất nhộn nhịp. Chúng ta cũng bầy ra đủ cả, “thịt mỡ” thì có lẽ không vì sợ cholesterol, nhưng “dưa hành, bánh chưng xanh” đều đủ. Ở Melbourne và Sydney còn có cả dưa đỏ cho đúng cái Tết Sài Gòn vì Tết đến Nam Bán cầu vào đúng Mùa Hè. Cành mai thì khó nhưng cành đào khá nhiều. Chậu lan có thể thay chậu cúc, nhưng mứt bánh thì không thiếu. Và chúng ta còn hơn cả trong nước ngày nay là còn cả pháo Tết nữa.
Tất cả những hương vị mà chúng ta nhớ về ngày Tết đã được đem ra để giúp nhắc nhở những cái Tết hồi xưa ở quê hương. Nhiều người vẫn tiếp tục xem hướng xuất hành, nhiều người vẫn còn sợ người xông đất. Ở những nơi như Little Sàigòn, âm thanh của bài Ly Rượu Mừng vang vang từ các đài phát thanh. Khi đứng ở đó, nghe tiếng pháo, tiếng nhạc, có những lúc quả thật tưởng đã có thể “mang theo quê hương”.
Nhưng thực tế nhiều khi đã chen vào. Ngày Tết nhưng đa số không được nghỉ, chỉ trừ như năm nay, mùng Một rơi đúng vào ngày Chủ Nhật. Thành ra Hội Tết thường được dời ra tổ chức vào lúc cuối tuần cho nó “tiện”.
Ðó là với những người được sống gần một cộng đồng. Có nhiều người hiện sống tách rời ra khỏi cộng đồng, vì công việc, vì gia cảnh. Ðối với những người đó, cố gắng lắm thì cũng chỉ tạo được chút hương vị Tết trong gia đình. Ða số cũng cố dọn dẹp nhà cửa, mua ít cành hoa, bày bàn thờ, làm mâm cơm cúng gia tiên. Cái Tết một phần nào mất đi nhiều ý nghĩa.
Trong khi đó, là người dân của nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta đều tham gia vào các ngày lễ Tết của quốc gia đó. Ða số người Việt ở Mỹ hẳn sẽ khó bỏ được bữa tiệc ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving. Ða số chúng ta, dầu là theo Công Giáo hay không, cũng tham gia vào lễ Giáng Sinh. Cây Noel hầu như nhà nào cũng có. Và việc trang trí các giây đèn cũng có vẻ thành thông lệ.
Mà không phải chỉ riêng người Việt chúng ta cảm thấy cần tham dự vào ngày lễ Tết của quê hương thứ hai. Hàng xóm của tôi là một gia đình người Nam Á theo Hồi Giáo. Ấy vậy mà Giáng Sinh đến cũng thấy ông bà đi mua cây Giáng Sinh về. Thấy tôi nhìn hỏi, ông hàng xóm cười bảo, “Trẻ con nó xin quá. Nhà bạn nó nhà nào cũng có! Mà kể ra có cũng vui nhà vui cửa!”
Các cụ nói đến “nhập gia tùy tục”, nhưng thật ra còn hơn thế nữa. Bởi không phải chúng ta chỉ nhập gia, chúng ta đã chọn đây là nhà, là quê hương thứ hai. Dần dà, chúng ta cũng có những suy nghĩ của cộng đồng đa số. Chúng ta không những chia sẻ suy tư mà nhiều khi còn chia sẻ cả thành kiến nữa. Tôi đã từng nghe người Pháp gốc Việt chê người Anh gốc Việt là không biết thưởng thức cơm ngon rượu ngọt, còn người Anh gốc Việt thì chê người Pháp gốc Việt là “vô trật tự như Tây vậy”. Và cả hai đều đồng ý cùng nhau “chê” người Mỹ gốc Việt.
Dĩ nhiên ở một khía cạnh nào đó chúng ta vẫn là người Việt, ít nhất là ở thế hệ thứ nhất. Chúng ta vẫn thích nghe nhạc Việt, vẫn thích ăn cơm Việt. Và khi tình cờ gặp nhau ở những nơi hang cùng ngõ hẹp của thế giới, thật là tay bắt mặt mừng. Tôi còn nhớ khi Bắc Ái Nhĩ Lan còn đang chia rẽ, ở ngay khu no man's land có một quán rượu, một pub cổ truyền của người Anh, mà chủ nhân là một người Việt. Có lần lang thang đến đó, ông chủ đã mừng rỡ mời vào nhà ăn cơm thịt kho dưa giá. Tôi hỏi không sợ sao, ông chỉ cười bảo “Vì tôi không phải là Republican hay Unionist, họ để tôi yên. Ai cũng cần phải có một Thụy Sĩ để bàn chuyện. Quán rượu của tôi là Thụy Sĩ mà.” Rồi quay ra mời một ly whisky mà ông bảo là chỉ có ở xứ Bắc Ái Nhĩ Lan của ông.
Chúng ta đi mang theo quê hương nhưng quê hương đó chỉ là quê hương trong kỷ niệm, trong ký ức. Chúng ta thực sự đang sống ở một quê hương khác. Thành ra có lẽ cũng đừng nên để quê hương trong kỷ niệm làm chúng ta quên mất rằng ngày nay chúng ta đang sống trên một đất nước khác và đất nước đó đang trở thành đất nước của chúng tađang sẵn sàng bảo vệ cho chúng ta.
Lê Phan
Posted by Trang Thanh Phong Feb. 07. 2010